Mỗi năm lao động xuất khẩu gửi về 3-4 tỷ USD, giúp nhiều làng quê thay đổi. Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa có chiến lược tổng thể, phần lớn người đi tay nghề thấp.
Những năm 1980, khi mô hình hợp tác xã không tạo ra sự cạnh tranh, các nhà máy hoạt động kiểu bao cấp khó phát triển, Việt Nam bắt đầu đưa chuyên gia, lao động đi làm việc ngoài nước. Nghị quyết 362 do Hội đồng Chính phủ ban hành tháng 11/1980 nêu rõ “thông qua hợp tác, ta có thể giải quyết việc làm và đào tạo nghề nghiệp cho một bộ phận thanh niên trong điều kiện cơ sở kinh tế trong nước chưa thu hút được hết”.
Thị trường tiếp nhận chủ yếu bốn nước Liên Xô, Đông Đức, Bungari và Tiệp Khắc, thông qua các hiệp định Chính phủ trực tiếp ký kết. Người được tuyển chọn phần lớn là quân nhân xuất ngũ, cán bộ, công nhân dôi dư trong nhà máy, học sinh tốt nghiệp trường chuyên nghiệp chưa bố trí được việc làm.
Thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 10 năm (1980-1990) xuất khẩu lao động đã giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người, mang về cho ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng và 300 triệu USD. Ngoài đào tạo kỹ thuật, người lao động còn gửi về nước khối lượng lớn hàng hóa, cải thiện cuộc sống của nhiều gia đình thời bao cấp.
Song biến động chính trường khiến Liên Xô, Đông Âu tan rã vào những năm 1990 dẫn đến khối này không còn nhu cầu tiếp nhận lao động và chuyên gia từ Việt Nam. Hợp tác thu hẹp buộc Việt Nam chuyển hướng tìm kiếm thị trường mới và xác lập thị trường trọng điểm vào những năm 1990-2000.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đối diện bối cảnh già hóa dân số, nền giáo dục nâng cao thúc đẩy lao động bản địa tìm kiếm công việc chuyên môn cao. Những khoảng trống trong dây chuyền sản xuất giản đơn ở lĩnh vực cơ khí, giúp việc gia đình, chăm sóc người già… được bù đắp bằng lực lượng lao động một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Năm 1992, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc dưới hình thức tu nghiệp sinh công nghiệp, thuyền viên làm việc trên tàu vận tải… Doanh nghiệp tham gia chủ yếu là công ty nhà nước. Đông Bắc Á trở thành thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam thời kỳ này, khi hơn 1.000 lao động đi làm việc năm 1991 đã tăng lên 31.000 người vào năm 2000.
Những năm 2000 trở đi, Việt Nam đưa xuất khẩu lao động thành hoạt động kinh tế – xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng thu ngoại tệ cho đất nước và mở rộng hợp tác quốc tế, thể hiện qua hàng loạt văn bản pháp luật.
Thị trường mở rộng ra 18 nước và vùng lãnh thổ, lượng người đi tăng dần lên 80.000 những năm 2005 trở đi, dẫn đầu là Malaysia, Đài Loan. Riêng Malaysia trong mười năm (2002-2012) tiếp nhận hơn 190.000 lao động Việt Nam, chủ yếu làm công nhân điện, điện tử, may mặc, đồ dân dụng, cơ khí, chế biến gỗ…
Song thu nhập thấp (150-200 USD mỗi tháng), môi trường làm việc kém, khiến thị trường Malaysia dần mất đi sức hấp dẫn, cùng với làn sóng FDI đầu tư trong nước khiến số người đi giảm dần. Việt Nam chuyển hướng sang các thị trường có thu nhập khá như Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2015, chỉ còn hơn 7.300 lao động đi Malaysia làm việc và năm 2019 giảm xuống còn hơn 450.
Từ năm 2007, xuất khẩu lao động được luật hóa, tạo hành lang pháp lý. Hợp tác lao động Việt Nam và thế giới tăng đáng kể. Giai đoạn 2012-2019, số người đi xuất khẩu tăng bình quân hơn 21% mỗi năm, thậm chí gấp đôi trong 5 năm. Hai năm đại dịch Covid khiến lượng người đi sụt giảm, song lập tức khôi phục khi các nước mở cửa trở lại. Trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đưa đi được hơn 41.000 lượt lao động, mục tiêu dự kiến cả năm là 90.000.nghìn ngườiSố lao động đi làm việc ngoài nước từ 2015 đến tháng 7/2022Nguồn Cục Quản lý lao động ngoài nướcTổng sốĐài LoanNhật BảnHàn Quốc2015201620172018201920202021Tháng 7/2022050100150200VnExpress
Từ bốn nước trong khối xã hội chủ nghĩa, sau hơn 40 năm, thị trường lao động xuất khẩu của Việt Nam mở rộng tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 ngành nghề. Hơn 500 doanh nghiệp mỗi năm đưa đi bình quân 100.000 người. Riêng Đài Loan, Nhật Bản tiếp nhận tới hơn 90% lao động.
“Lao động đi xuất khẩu chiếm 7-9% tổng số người được giải quyết việc làm mỗi năm, giúp giảm sức ép tạo việc làm cho lao động trong nước”, ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Quản lý lao động ngoài, đánh giá.
Từ những chiếc bàn là, nồi cơm điện gửi về từ Liên Xô năm xưa, hiện kiều hối lao động gửi về mỗi năm 3-4 tỷ USD, hình thành những ngôi làng chuyên xuất khẩu lao động từ Bắc vào Nam, như ở Chí Linh (Hải Dương); Đông Minh (Đông Sơn, Thanh Hóa); Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An); Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh); Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi)…
Ngoại tệ gửi về khiến làng quê “lột xác”, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm khang trang. Nhiều địa phương giảm gánh nặng giải quyết việc làm cho thanh niên, nằm trong nhóm đầu về xuất khẩu lao động, như Hà Tĩnh năm 2019 có hơn 67.000 lao động làm việc ở nước ngoài, gửi về khoảng 200 triệu USD; Nghệ An hiện có 60.000 lao động, gửi về 500-550 triệu USD.
Xuất khẩu lao động với mục tiêu ban đầu giải quyết công ăn việc làm, sau hơn 40 năm đã trở thành hoạt động kinh tế – xã hội, song vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Đó là chất lượng lao động đi làm việc, bài toán sinh kế sau khi họ về nước; tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp và chưa có chương trình quốc gia mang tính tổng thể về lĩnh vực này.
Việt Nam dù đã chọn lọc được một số thị trường chiến lược, như Nhật Bản, Hàn Quốc với mức thu nhập giá 1.000-1.800 USD, song phần lớn lao động đưa đi vẫn là kỹ thuật bậc thấp, hạn chế tay nghề, ngoại ngữ. “Chính sách nhiều năm qua phần lớn chỉ tập trung vào giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa thực sự chú trọng tới nhóm có khả năng tiếp nhận công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài”, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó giám đốc Công ty Esuhai, doanh nghiệp chuyên đưa lao động đi Nhật Bản, nhận định.
Theo ông Lanh, Việt Nam cần nâng tỷ lệ lao động tay nghề cao đi làm việc ở nước ngoài, bởi họ sẽ tiếp cận khoa học để phục vụ đất nước; quy hoạch lại ngành nghề mũi nhọn để đào tạo, hướng tới nghề nào thì có chính sách ưu đãi cho nhóm ấy. Song hệ thống giáo dục nghề nghiệp được đánh giá chưa đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà thị trường xuất khẩu cần.
Trong số lao động trở về, có người xây nhà, khởi nghiệp từ số vốn tích lũy những năm làm việc ở xứ người, song phần lớn tiếp tục đối mặt với bài toán sinh kế hậu xuất khẩu. Nguyên nhân là lao động tay nghề thấp, định hướng đi xuất khẩu để kiếm tiền mà chưa chú trọng học kỹ năng, ngoại ngữ… để có thêm cơ hội trong tương lai.
Việt Nam nhiều năm liền nằm trong danh sách có tỷ lệ lao động hết hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp cao. Thống kê những năm 2003-2005, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ ra ngoài cư trú bất hợp pháp luôn ở mức cao so với các nước xuất khẩu trong khu vực, tại Nhật Bản 30-40%; Hàn Quốc 25-30%, Đài Loan trên 9%. Trong khi Trung Quốc chỉ 1,02%, Indonesia 5,58%, Philippines 1,06%, Thái Lan 1,13%.
Tình trạng trên khiến một số thị trường bị đứt gãy, như Đài Loan ngừng tiếp nhận lao động giúp việc gia đình vào tháng 1/2005 và đóng cửa tới giữa năm 2015 mới mở lại. Các năm 2013-2016, Hàn Quốc ngừng gia hạn tiếp nhận mới lao động Việt Nam, chỉ ký hai ghi nhớ đặc biệt có hiệu lực đối với một số nhóm.
Việt Nam với nỗ lực khơi thông thị trường đã thực hiện nhiều giải pháp chống trốn như yêu cầu ký quỹ, phạt hành chính… Song đến nay vẫn còn 8 huyện của bốn tỉnh bị tạm ngừng tuyển chọn do lao động bỏ trốn cao. Thị trường Hàn Quốc hiện vẫn còn hàng nghìn lao động bất hợp pháp cư trú. Tình trạng này kéo dài làm mất uy tín lao động Việt Nam và gây khó khăn cho cơ quan quản lý.
Xuất khẩu lao động có vai trò quan trọng song chưa được đặt đúng tầm, theo nhiều chuyên gia, bởi cho đến nay chưa có chiến lược tổng thể, dài hạn, trung hạn cho lĩnh vực này. “Cần có giải pháp tổng thể ở tầm Chính phủ cho chương trình xuất khẩu lao động giai đoạn 2022-2030”, ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, đề xuất trong hội nghị về lĩnh vực này giữa tháng 8.
Giải pháp đột phá, theo ông Dũng, là quy hoạch lại hệ thống doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động và có chiến lược dài hơi về thị trường, ngành nghề làm việc để nâng dần tỷ lệ lao động tay nghề cao. Ví dụ thị trường Nhật Bản dù đưa đi hàng chục nghìn người mỗi năm, nhưng thực tập sinh chiếm tới 80% và chưa được đánh giá là lao động có tay nghề.
“Nếu không có chiến lược bài bản, Việt Nam sẽ khó tiếp cận được thị trường tốt, nguy cơ dần tụt hậu, không có nguồn lực chất lượng cao và chỉ mãi loay hoay trong vấn đề giải quyết việc làm cho lao động phổ thông”, ông Dũng nói.